Sáng 20/12, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới”. Dự tọa đàm có đại diện các nhà quản lý ngành nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực.


Kỹ sư Hồ Quang Cua tặng biểu trưng gạo ngon nhất thế giới cho lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ảnh: Trung Hiếu – TTXVN

Theo ông Trần Xuân Toàn, Ủy viên Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ, sự kiện gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader tổ chức, đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ và phát triển những giống gạo ngon và xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

Việc Báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức tọa đàm nhằm tạo cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý tìm ra các giải pháp bảo vệ và phát triển giống lúa, gạo ST25 và những giống gạo ngon khác. Đồng thời phân tích, chỉ ra những cơ hội, thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, chinh phục những thị trường khó tính nhất thế giới.

Trên thực tế thời gian qua, Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng không thiếu những giống lúa chất lượng cao và giống ST25 vừa đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” là một minh chứng. Tuy nhiên, có một thực tế là giống lúa ngon vừa ra đời, được công nhận gạo ngon nhất thế giới không bao lâu đã bị làm giả, pha trộn… làm giảm uy tín hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị xoay quanh vấn đề cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng giống lúa, tránh buôn gian bán lận. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình sản xuất lúa theo nhà chuyên môn hướng dẫn, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất lúa, lúa giống chất lượng cao, mạo danh gạo không đúng chất lượng, gạo gian gạo giả. Đồng thời, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa gạo, bảo vệ những thành quả sáng tạo của các nhà khoa học, nông dân.

TS. Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ thông tin, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng đã tạo ra bộ giống đa dạng, áp dụng cho sản xuất. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, công tác giống cũng đang tồn tại những hạn chế, bất cập đòi hỏi các cấp, ngành có những giải pháp khắc phục.

Điều này cần có chính sách khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng những người làm công tác lai tạo, sản xuất, phân phối giống lúa tốt; tăng cường bảo hộ quyền tác giả; xử phạm nghiêm các hành vi vi phạm; phát huy vai trò của người dân địa phương trong kiểm soát tận gốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa…

Ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho hay, việc gạo ST25 được công nhận gạo nhất thế giới năm 2019 là niềm tự hào của tỉnh Sóc Trăng; tạo điều kiện mở ra một cơ hội lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Theo ông Phan Văn Sáu, các trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học, nhà quản lý tại buổi tọa đàm là rất bổ ích, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp thu và có hướng trong việc bảo vệ, phát triển giống lúa ST25 cũng như các giống lúa chất lượng cao khác.

Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường chống gian lận thương mại; có ý kiến đề xuất xây dựng thương hiệu gạo ST25 phải trở thành thương hiệu gạo Việt Nam, được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Cùng đó, sớm quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất giống, vùng sản xuất lúa gạo thương phẩm…

Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng cũng mong muốn, nhóm tác giả lai tạo lúa ST25 gồm Anh hùng Lao động, Kỹ Sư Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương tiếp tục tìm tòi, lai tạo hoặc phối hợp với các nhà khoa học tiếp tục lai tạo ra các loại giống lúa mới ngon hơn, giàu dinh dưỡng và có chất lượng hơn nữa…

Theo TTXVN