TTO – Trong những ngày Đà Nẵng đương đầu với dịch COVID-19, nhiều tấm lòng đã gom góp yêu thương, sẻ chia cho nhau bì muối, cân gạo, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Những tấm chân tình ấy không chỉ được cho đi từ người có cuộc sống đủ đầy mà còn được sẻ chia từ những “lá rách ít” với hy vọng đùm bọc “lá rách nhiều” qua cơn lận đận.
Đùm bọc lấy nhau
Đã gần 1 tháng từ ngày thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19. Các hàng quán đóng cửa im lìm. Anh Đoàn Anh Tuấn (30 tuổi) chủ một quán nhậu trên đường Ngô Văn Sở (quận Liên Chiểu) như ngồi trên đóng lửa.
Anh làm nghề xây dựng, chắt chiu được một số tiền, cộng thêm vay mượn đánh bạo mở quán kinh doanh. Quán vừa mở chưa lâu thì gặp trận dịch COVID-19 đợt một, phải đóng cửa rồi lại đến dịch đợt hai. Liên tiếp khó khăn, tiền vay ngân hàng vẫn phải đóng đều cầm cự.
Từ ngày quán đóng cửa, biết hoàn cảnh những công nhân ở trọ không có tiền ăn ở, anh đưa họ về cho ở tại quán của mình. Lượng thực phẩm dự trữ trong quán được đưa ra duy trì bữa cơm hàng ngày cho những công nhân mất việc.
Từ tuần thứ 3 cách ly xã hội, nhận thấy nhiều lao động đứng trước quy cơ đứt bữa, anh cùng những người bạn của mình bỏ tiền túi mua gạo, mắm muối, cá khô về chia thành các suất phát cho lao động nghèo.
Biết việc anh làm, nhiều người đã liên hệ ủng hộ. Người ít ủng hộ 100 nghìn đồng, người khá hơn tí góp một hai triệu. Có người góp ít thùng mì, vài chai mắm. Cứ như thế quán của anh biến thành đầu mối tiếp nhận hỗ trợ cho bà con lao động tứ xứ kẹt lại vì dịch.
Anh Tuấn cho biết những người góp tiền cùng anh hỗ trợ bà con gặp khó không ai khác lại chính là những công nhân, những sinh viên vừa ra trường, có cả các bác lớn tuổi chắt chiu đồng tiền hưu trí, “bớt thịt thêm rau” trong bữa cơm gia đình để chia sẻ với người khó hơn.
“Tính đến nay, tôi đã kêu gọi được gần 50 triệu đồng từ người quen, bạn bè. Đã có mấy trăm suất lương thực gửi đến bà con lao động mất việc nuôi con nhỏ, những người làm phụ hồ, vé số, xe ôm… Trong lúc hoạn nạn, mỗi người một ít sẻ chia để dìu nhau qua mùa dịch” – anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn nhớ nhất trong một lần anh đang chia gạo phát cho bà con thì thấy có một người phụ nữ tầm 37 tuổi được cô con gái 13 tuổi đẩy trên xe lăn ghé qua. Người phụ nữ gọi anh và gửi một thùng mì cùng một bao gạo.
Hỏi chuyện mới biết chị tên Hạnh, một người khuyết tật là mẹ đơn thân. Anh từ chối nhận tấm lòng của chị nhưng một mực chị Hạnh bắt anh phải nhận chuyển cho người khó.
Anh Tuấn kể vẫn nhớ như in lời người phụ nữ khuyết tật nói rắn rỏi: “Tôi tuy không đi lại được nhưng là chuyên viên công nghệ thông tin, mùa dịch tôi vẫn làm việc từ xa được. Hôm trước chủ trọ ghé qua gửi đồ hỗ trợ cho hai mẹ con. Giờ nhìn nhiều người khó khăn hơn vì mất việc, tôi xin chia sẻ sự hỗ trợ này với họ”.
Vì chúng tôi là công dân thành phố
Trong những chuyến xe tỏa đi dọc các tuyến đường, hẻm phố Đà Nẵng những ngày này, có đội xe rau do anh Phạm Hoàng (35 tuổi) cùng những người bạn của mình thực hiện. Anh Hoàng là nhân viên văn phòng, các thành viên của “Team Rau” cũng là công nhân, lao động mất việc vì dịch. Nhưng nhận thấy nhiều người còn khó khăn hơn nên họ cùng góp sức mình giúp đỡ.
Anh Hoàng nhẩm tính nhiều người hảo tâm đã tặng gạo, đồ khô cho bà con, với những người khó khăn, sinh viên thì rau củ là cần thiết lúc này để cân đối bữa ăn của họ. Anh lên kế hoạch cùng nhóm ban đầu tự bỏ tiền túi mua rau, sau đó được nhận thêm nhiều sự giúp sức. Từ mỗi người vài ba chục nghìn, có nông dân góp vài chục bó rau, củ cải vậy mà gần một tháng qua, mỗi ngày nhóm vẫn duy trì từ 80 – gần 150 suất rau gửi đến tận các khu trọ khó khăn.
Anh Hoàng cho hay mỗi bao rau gồm có bí đỏ, bí xanh, cà chua, rau muống rau cải… cứ có gì mình lại điều phối cho hợp lý. Rồi từ danh sách lên sẵn, anh em đội xe Xpander hỗ trợ đưa rau tỏa đi đến từng người dân, sinh viên… khó khăn. Các thành viên trong nhóm cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì xe rau yêu thương ấy cho đến khi thành phố hết dịch, hay khi nào không còn sức nữa mới thôi.
Trong những sự sẻ chia ấm tình người những ngày này, có tấm chân tình như lời cảm ơn thành phố đến từ những người ngoại quốc đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
Một ngày trung tuần tháng 8, anh Mike Harris (33 tuổi, quốc tịch Anh), giáo viên Anh ngữ tại Đà Nẵng cầm trên tay số tiền ủng hộ 1,7 triệu đồng có mặt điểm tiếp nhận ủng hộ phòng, chống COVID-19 trên đường Lê Duẩn. Mike nói rằng, số tiền không lớn nhưng là chút dành dụm cá nhân của anh cho công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng.
Anh Mike cho biết: “Khi dịch bùng phát ai cũng lo lắng, công việc đều bị ngưng trệ, kinh tế rất khó khăn và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi muốn làm điều gì đó để trấn an, động viên mọi người bình tĩnh đi qua đại dịch vì tôi cũng là công dân của thành phố này”.
Tiếp đó, thông qua mạng xã hội, Mike đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các bạn của mình, những công dân trong cộng đồng người nước ngoài ở Đà Nẵng. Rất nhanh chóng, anh nhận được nhiều sự ủng hộ. Họ lập thành nhóm nhỏ và trực tiếp đi mua các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người khó khăn như một lời cảm ơn chân thành đến Đà Nẵng và động viên thành phố vượt qua dịch bệnh.
Nguồn Tuổi Trẻ
Cần tìm chỗ mua gạo từ thiện ở đâu? Liên hệ ngay 0909 1999 68 – 0902 521 099